Để đi từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng đến trung tâm Sài Gòn dù chưa tới 10km nhưng có khi phải mất hàng tiếng đồng hồ do liên tục ùn tắc.

Vụ va chạm trên cầu Khánh Hội sáng 2/11 khiến tuyến đường Nguyễn Tất Thành ùn tắc hàng giờ đồng hồ

Một loạt các dự án giao thông lớn sẽ thực hiện trong năm 2017, sẽ “giải cứu” khu Nam Sài Gòn khỏi tình cảnh kẹt xe, đồng thời kết nối gần hơn khu đô thị hiện đại này với khu vực trung tâm.

Ám ảnh tắc đường

Sáng 2/11, một vụ va chạm giữa xe container và hai chiếc taxi trên cầu Khánh Hội (nối quận 4 với quận 1) khiến giao thông trên đường Nguyễn Tất Thành tê liệt. Đến 8h sáng, tình hình giao thông trên tuyến đường huyết mạch nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm thành phố vẫn chưa được giải quyết. Nhiều người bị chậm giờ làm. “Nhà ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, đi qua quận 1 chỉ có đường này là gần nhất, mọi lần đi khoảng 30 phút, hôm nay đi 2 tiếng đồng hồ chưa tới cơ quan”, anh Nguyễn Văn Chiến ngán ngẩm nói.

Anh Nguyễn Đức Trung nhà ở quận 11, làm việc tại một công ty trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) cho biết, ngày nào cũng rất vất vả với việc di chuyển hai lần đi về vì tắc đường, kẹt xe. Từ quận 11 sang công ty chỉ có đường qua cầu Nguyễn Văn Cừ đến đường Dương Bá Trạc (quận 8) rồi đến cầu Kênh Xáng để sang Nguyễn Văn Linh là gần nhất. Thế nhưng, tuyến đường này buổi sáng thường xuyênùn tắc ở cầu Kênh Xáng, chiều về lại tắc ở cầu Nguyễn Văn Cừ. “Đoạn đường chỉ hơn 9km mà thường phải mất cả tiếng đồng hồ. Những lúc trời mưa hoặc dịp lễ là kẹt không đi được”, anh Trung kể.

Dịp cuối tuần vừa qua, chị Nguyễn Thị Lý ở khu dân cư Nam Long (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) có việc ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội. Vì đi chuyến cuối giờ chiều nên 14h chị đã bắt đầu xuất phát từ nhà. Thế nhưng, phải mất hơn 30 phút chị mới qua được cầu Tân Thuận. Sau đó, phải nhích từng bước qua đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Đến đường Trường Sơn thì gặp trời mưa lớn khiến tuyến đường này ùn tắc không di chuyển nổi. “Khi vào đến sân bay chỉ còn 5 phút nữa là tôi bị trễ chuyến phải quay về”, chị Lý nhớ lại.

Kết nối trung tâm bằng nhiều cầu lớn

Hiện nay, khu Nam Sài Gòn được kết nối trung tâm thành phố qua 5 cây cầu chính là: Cầu Khánh Hội, Kênh Đôi - Kênh Tẻ (quận 4), Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Chà Và (quận 5). Tất cả những cầu này đều phải đi qua các tuyến đường ở quận 4, quận 8 rồi mới qua được quận 7 về Nhà Bè. Những cây cầu này có bề rộng chỉ hai làn xe ô tô. Khi đường hai bên được mở rộng, các dốc cầu trở thànhnút thắt cổ chai, thường xảy ra ùn tắc.

Hai tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh đều là tuyến huyết mạch Đông - Tây. Tuy nhiên, suốt chiều dài từ Bình Tân qua quận 8 chưa có tuyến đường nào kết nối hai đại lộ này. Người dân ở các quận Bình Tân, quận 6, 11, huyện Bình Chánh khi muốn qua Nam Sài Gòn phải dồn về quận 5 qua cầu Nguyễn Tri Phương hoặc phải đi vòng ra QL1 rất xa. Vì vậy, việc sớm xây thêm cầu đường để kết nối là điều bức thiết hiện nay.

Ngày 16/10, UBND TP.HCM đã phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên nối từ quận 6 vượt kênh Tàu Hủ, đường Võ Văn Kiệt - Kênh Đôi - Kênh Tẻ sang quận 8 để đi tới đường Nguyễn Văn Linh. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.508 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT. Đây là dự án đã được lập từ lâu nhưng nguồn vốn khá lớn nên một số nhà đầu tư đăng ký sau đó không thực hiện được. Thành phố đã chia dự án thành hai đoạn để kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư tham gia. Với cách thức này, nhiều chuyên gia đánh giá lần này dự án sẽ nhanh chóng được triển khai.

Một dự án khác là cầu Nguyễn Khoái bắc qua kênh Tẻ cũng được chấp thuận đầu tư và gấp rút chuẩn bị để khởi công trong năm 2017. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.000m, trong đó cầu dài 346m, rộng 22,5m. Công trình bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) và điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4). Tổng vốn đầu tư dự án là 1.250 tỷ đồng, hoàn thành sau 18 tháng thi công.

Ở hướng phía Tây Nam, thành phố đã kiến nghị đưa tuyến đường song song QL50 vào quy hoạch kết nối giao thông liên vùng. Tuyến này có điểm đầu từ đường Phạm Hùng (huyện Nhà Bè) đến huyện Cần Giuộc (Long An) với chiều dài 8,6km. Cùng với đó thành phố cũng kiến nghị Bộ GTVT chuyển dự án mở rộng QL50 về cho thành phố thực hiện vì đã đình trệ rất lâu. Các dự án cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4 - quận 2, Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 - quận 2) cũng đã được chấp thuận nhà đầu tư.
Facebook Google twitter
Từ khóa: “Giải cứu” khu Nam Sài Gòn bằng nhiều công trình kết nối